top of page

[Đi học xa nhà] Chạy theo gió nước Mỹ

  • Writer: Trang Hồ
    Trang Hồ
  • Aug 27, 2017
  • 9 min read

Hôm qua được nhắc mới nhớ, vậy là mình đã sang Mỹ được 10 hôm. Mới có 10 hôm thôi cảm giác như 10 thế kỉ.

Người ta nói về một đất Mỹ xa xôi tân tiến, với những con người văn minh và sự phát triển bậc nhất. Đối với mình, nước Mỹ chỉ gói gọn trong một cụm từ "chuyến bay 24 tiếng".

24 tiếng bay dài đằng đẵng kết thúc, mình đặt chân xuống sân bay Chicago với cái cổ mỏi nhừ và cái lưng tê liệt. Đấy cũng là lúc mình nhận ra, 4 năm tiếp theo năm nào cũng sẽ phải chịu đựng những chuyến bay như thế. Chần chừ mất một lúc, giấc mơ Mỹ đau đớn thế sao?

Trước đây mẹ mình vẫn hay bảo đi Mỹ thăm thú đi cho quen. Cảm nhận những thành phố, những con đường và cả con người nữa vì đến khi đi du học mọi thứ sẽ khác ở nhà lắm. Mình cũng tưởng tượng ra một đất Mỹ trong phim, nơi xung quanh người ta nói một ngôn ngữ khác, sống một lối sống khác. Mình cũng thuộc dạng thích đi đây đi đó, thích khám phá và quan sát mọi điều theo nhiều khía cạnh để học hỏi và viết, nên mình chờ đợi một điều gì đấy, một cảm giác gì đấy, khác bây giờ.

Khác là sao?

Mình đến với cường quốc mạnh nhất bốn bể năm châu và vẫn chỉ thấy như vừa tỉnh dậy sau 5 6 giấc ngủ ở nhà. Có lẽ do mình chưa chấp nhận được rằng bản thân đang cách xa mọi người mấy chục nghìn cây số và vẫn vương vấn những mối tình ở Ams. Sự thật rằng, mọi thứ có thay đổi, chỉ là nó không đến mức mình tưởng tượng. Ví dụ như nếu bạn tham gia giao thông thì sẽ có ba thứ phải làm quen: Một là đường xá thênh thang còn xe thì lại luôn thẳng hàng đúng làn dù có bị ùn cục bộ - một điều không bao giờ xảy ra ở Hà Nội; hai là đố bạn tìm ra được một cái xe máy ở đất Mỹ, dù đồng quê hay thành phố (mình thì mình chưa tìm ra); ba là sang đường xe sẽ nhường đường cho người đi bộ nên là đừng có tránh xe hoặc dừng lại nhường xe vì như thế là cả hai sẽ đứng lại nhìn nhau đấy. Với mình, điều thứ ba là khó nhất, mình đã khắc cốt ghi tâm cách luồn lách giữa trăm nghìn con xe ở Hà Nội để sang đường hoặc phải đứng lại chờ xe đi hết không sẽ bị cán mất xác nên đã không ít lần mình và lái xe ở Mỹ mất tầm 2 3 phút nhìn nhau.

Cộng với việc đồ ăn thức uống trong cái Walmart gì cũng có, và người ta nói tiếng Anh chứ không phải tiếng Việt, thì mình nghĩ, chẳng có gì khiến Mỹ xa lạ đến thế.

Mỹ (Chicago - thành phố đầu tiên mình đến) có nhiều tòa nhà chọc trời mà mình nghĩ Lotte với Keangnam ở nhà chỉ bằng 2/3. Ấy thế nhưng mình tin rằng số nhà ở của Mỹ chắc ít bằng 2/3 ở Hà Nội (hoặc chỗ mình đã đi nó thế). Cái cảm giác đi bộ vào giờ tan tầm khi Google Maps báo noti điện thoại "The traffic is heavy right now in your place" làm mình cảm thấy bối rối bởi sự thông thoáng và im lặng. Không một tiếng còi xe. Em gái mình đi bộ vẫn còn chỗ để múa may. Bọn mình dắt nhau đi dọc những con phố lộng gió của Chicago, ăn những cái pizza đế dày toàn phô mai và uống starbucks mỗi sáng.

Phòng khách sạn của mình nhìn ra hồ Michigan. Mấy hôm đầu, mẹ cứ khăng khăng với mình đấy là biển.

Chicago mặt trời lên sớm, những ngày đầu jetlag 3h sáng mình tỉnh dậy ngắm thành phố ban đêm. Những ánh đèn, những tòa nhà bằng đá lấp lánh. Cái cảm giác bầu trời luôn trong đến lạ, dù đêm hay ngày. Và khi ánh sáng bắt đầu lên lúc 4h, đường chân trời ửng hồng, mọi thứ long lanh và trong suốt. Cảm giác như tất cả nằm trong một lớp màn hơi kì ảo, nhưng lại không ướt át như Hà Nội. Buổi sáng lành lạnh. Con người ta không dậy sớm như mặt trời.

Những ngày đầu tiên ở đất Mỹ, ở Chicago của mình, mẹ và em hầu như gói gọn lại khu xung quanh Park Hyatt. Chưa bao giờ mình đi bộ nhiều như thế, cũng chưa bao giờ mình cảm giác rõ rệt sự khó khăn của quê hương đến thế. Hai mươi ba nghìn lần đồng việt mới bằng một đồng đô.

Những buổi chiều khi mẹ và em jetlag ngủ suốt 4 tiếng, mình nằm ở bậc cửa ngắm trời màu xanh với những vệt mây trắng, hay nhìn xuống phố nơi người người qua lại, dừng khi đèn đỏ và bước khi đèn xanh. Cánh cửa Wallgreens cứ xoay để rồi khi mặt trời xuống vào lúc 9h tối, người ta dắt tay nhau đến với những bản nhạc, những góc phố và những bữa tối thơm ngon bên ánh nến.

Mình có bảo mẹ rằng "Ở Chicago mà con còn cảm thấy yên bình và yêu thương như thế này, thì chẳng trách người ta yêu nhau nhiều thế ở Paris". Từ bé, mình mới đi nước ngoài một lần - đi Bali, Indonesia. Và thật sự thì Bali, trừ biển tuyệt đẹp ra thì cũng có những căn nhà san sát, những cửa hàng cửa hiệu ở khắp nơi và có

những xe máy rồ ga qua những cánh đồng như ở Việt. Mình chưa bao giờ có những trải nghiệm về con phố đi bộ và những cửa hàng cafe bên vỉa hè dưới ánh đèn lung linh mà mẹ hay kể, hay mình cũng chưa từng tận mắt nhìn thấy những căn nhà đá cổ kính mà em gái yêu. Tất cả những gì mình từng có, là trong trí tưởng tượng. Cho đến những ngày ở Chicago, ngồi ăn tối với mẹ và em, bên ánh nến, và nghe nhạc. Để đến 11 giờ nắm tay em đi bộ trên con đường lộng gió, đứng trên một cái nắp cống sâu hun hút và cảm thấy tò mò với những chiếc thang. Cho đến những ngày trời bên ngoài lạnh, mà vẫn nắng nhẹ nhàng, tràn vào cửa sổ khi mình nằm đọc sách. Để được tự nhủ những phút yên bình như thế này trong quá khứ, chỉ giờ là thiếu mất một người. Những bức tranh trong mơ.

Mình ở Chicago 3 ngày. Chạy đi chạy lại mua sắm. Những chuyến Uber nối những điểm cầu. Ở đây taxi khó vẫy hơn Hà Nội. Ở đây trời cũng lạnh nóng thất thường. Ở đây Uber không gọi cho bạn như Grab. Đợi 2 phút là đi. Mọi thứ bạn phải tự làm.

Mẹ con mình có một trải nghiệm đi xe kì lạ lắm. Đấy là khi bước ra khỏi Walmart mà chưa gọi được taxi, mẹ mình có hỏi một bà Mỹ đen đang tất tưởi chạy vào siêu thị "How can I call a taxi?". Và không hiểu mẹ mình nói gì, mà vài giây sau bà ấy chạy ra lấy xe và chở mẹ con mình đi. Lúc lên xe, bà ấy có mời mình uống nước, có mời mình ăn snacks nhưng cả ba mẹ con đều không ăn. Mặt mẹ mình cắt không một giọt máu.

Về sau mình mới biết, bà ấy chẳng là lái xe hay gì cả, mẹ cũng không nhờ bà ấy mà là bà ấy tự nguyện và mẹ bị động, không làm được gì hết. Mẹ sợ quá, nhưng vẫn phải bước lên xe với bọn mình (rất ngây thơ) và đã kịp nhắn về cho bố cái tin là em đang ở xe như này như này nhé 15 phút nữa em không gọi là phải nhắn 911.

Chuyến xe ấy, mẹ con mình về nhà bình thường. Mọi thứ vẫn ổn, và bà Mỹ đen còn kể cho mình rất nhiều về đất nước 52 bang này. Nếu không có khuôn mặt tái nhợt của mẹ, chắc mình đã thấy bà ấy là một người thân thiện. Bà ấy nói rất nhiều về cách bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm nơi đây với mình. "This country is not safe anymore".

Chúng ta nghĩ gì về nước Mỹ? Đất nước đa chủng tộc, đất nước với những điều tuyệt vời, với những giấc mơ. Đất nước văn minh, mọi người có ý thức. Đường không một chút rác. Mọi người đi bộ. Nhìn theo mọi thứ trôi qua cửa xe, những con người, những tia nắng nhảy nhót trên từng mái tóc, bờ vai. Sự yên bình, tĩnh lặng. Nhìn thế kia, nước Mỹ có đáng sợ không?

Và rồi mình sợ, qua những câu chuyện của bà ấy, mình sợ. Sợ những nỗi đau, sự cô đơn. Sợ mình hòa lẫn vào tất cả. Sợ mình yếu đuối, sợ bản thân không thể đứng dậy. Sợ mình sẽ có ngày cảm thấy thiếu an toàn giữa đất nước rộng lớn này.

Mình cứ nhìn mãi, từ cửa sổ tầng 9 của Park Hyatt, xuống con đường chạy dọc và những chiếc xe nối đuôi nhau. Mình cứ tự hỏi những viên gạch ở nhà thờ kia, chúng bao nhiêu tuổi. Mình chạm tay vào "The Bean" của Chicago và nhìn bản thân tóc trắng. Em mình chạy dài trên chiếc cầu đi bộ, sờ vào những cây phong lá vẫn còn xanh.

Đòi chụp ảnh trước một cây lá hồng. Cột đèn trong How I met your mother, những chiếc xe buýt hai tầng và mùi pizza trên từng con phố. Chúng mình chạy mưa.

Thành phố của gió mùa này lạnh như tháng sinh nhật. Một chiếc áo mẹ mua, mình chỉ cần một cốc trà vào sáng sớm.

Ngày 17, mẹ con mình sách vali lên đường sang Indiana - cái thành phố mà trăm lần mình nhầm với nước Ấn Độ. Số vali tăng từ 5 lên 7, cộng với một kiện hàng. Mẹ không kí gửi được đành xách tay, cái vali nặng 2 chục cân toàn thuốc vác về cho bà bị rạch ra giữa cửa kiểm tra an ninh. Và rồi theo một cách nào đó, năm phút sau mình đã thấy mẹ đang đứng như trời trồng trong tư thế quy định để nhân viên soát người. Cô bảo vệ mạnh mẽ đeo găng tay, kiểm tra túi trong túi ngoài, từng inch một trên người mẹ. Mẹ cứ cười.

Mọi thứ vẫn ổn

Mọi thứ vẫn cứ ổn.

Chỉ là muộn giờ máy bay thôi.

Và thế là chúng mình ngồi đợi.

Hôm đấy cũng là hôm bạn thân mình vừa đến Penn. Mình ngồi nói chuyện điện thoại với nó, uống sữa nóng Starbucks và lại nhìn trời. Mình thích bầu trời của Mỹ, vì nó lạ, lạ lắm. Nó là thứ duy nhất làm mình thấy an lành trên cái đất này so far. Chicago ngày mình rời đi mưa, mây không còn trắng bông và trời không còn trong nữa. Máy bay lên rồi lại xuống, cái này nối tiếp cái kia trong tiếng người cười nói. Sân bay tấp nập, kẻ ra người lại. Mc Donald's có những hàng dài và Starbucks cũng vậy. Mẹ bảo, mẹ với Bi nhận ra, người Mỹ nào cũng sẽ có một trong bốn thứ này trên đường: đeo tai nghe, bấm điện thoại, dắt chó hoặc cầm một cốc Starbucks. Có lẽ họ bận, có lẽ họ sống theo một cách khác. Chi vài đô cho cốc cafe ban sáng. Ăn tạm vài đô nhanh chóng cho bữa trưa. Điện thoại, wifi 4G. Những bản nhạc xập xình.

Mình chẳng kịp uống Starbucks ở Hà Nội nhiều đến thế để biết Menu có thay đổi gì không. Nhưng mình biết Mc Donald's ngon hơn Burger King nhiều.

Ở Mỹ cái gì cũng tự động. Tính tiền trong siêu thị tự động (nghĩa là có một cái máy cho khách hàng tự tính tiền). Đặt hàng Mc Donald's tự động. Mình với em gái thích trò này lắm, vì cảm giác hai đứa thật ngầu. Tự quyết định món ăn cho bản thân mà không phải nói gì cả. Nói tiếng Anh nhiều làm mình mệt. Và rồi cả hai đứa bực lên chửi bậy mà không ai hiểu hết.

Cảm giác mọi thứ cứ nhanh chóng trôi qua. Nhưng mình vẫn không cảm thấy gì cả

Mình vẫn không cảm thấy gì cả.

Máy bay thông báo còn 10 phút hạ cánh xuống Indy. Mình tỉnh dậy, nhìn xuống những cánh đồng, những lùm cây và những ngôi nhà. Chợt nhận ra trường của mình ở dưới kia đấy. Không như cách thời gian chậm chạp trôi khi mình đợi mọi người bên kia địa cầu dậy mỗi ban chiều rực nắng, cũng chẳng vụt qua như những ngày ở Ams, mọi thứ ở đây đều vô tình chạy mất. Trống rỗng. Mắt mở to, mình nhìn xuống bang của mình, nơi mà, bốn năm nữa, mình đi đi về về qua những chuyến bay. Đây sao? Hà Nội thứ hai của mình đây sao?

Những ngày xa mẹ xa em, xa mọi người cứ tuột đi mất, đâm vào mình một nỗi hụt hẫng đến khôn nguôi.

Comments


bottom of page