lanhquanhonhaqua
- Trang Hồ
- Oct 25, 2017
- 4 min read
Để hỏi rằng đi học xa nhà là như thế nào, thì thật khó để diễn tả. Để hỏi rằng là một học sinh quốc tế (international student) nó cảm giác sao, thì cũng thật sự không có từ để viết.
Nhiều người hỏi mình câu này quá mà vẫn chưa thể nào nghĩ ra một cái gì đấy phù hợp để ghép với nhau. Đến trường mình cũng bảo mình viết cái essay cho câu hỏi này.
Khó thế.
Thường thì sẽ không có cảm giác gì nhiều. Dần dần thì cũng nhớ 9h ngồi ngắm hoàng hôn. Đi học nghe tiếng Anh nhiều rồi cũng quen. Tỉnh dậy trong dorm nhiều thì cái giường lạ cũng thành giường của mình. Căn phòng mình mới move in ngày 18 thì giờ đây trở thành "nhà", và rồi ngồi trong thư viện ấm áp thì vẫn cảm thấy giống đi cafe học bài trong một ngày thu Hà Nội.
Phải cho đến một ngày, trời trở gió.
Mình vẫn hay kể cho bọn ở bên này nghe chuyện ở Hà Nội cứ 7 độ là học sinh cấp 3 được nghỉ học. Còn 10 độ là cấp 1 đã được nghỉ rồi. Chúng nó nghe xong cũng chỉ cười, vì chính ngay lúc đó bọn mình đang đi dưới cái tiết 7 độ của Indiana. Phải đến một ngày trời trở gió, cái lạnh 4 5 độ mà mình chưa bao giờ được cảm nhận ở nhà và mưa tát vào mặt, gió thổi bay ô. Mình khoác lên người đúng những cái áo mình từng mặc vào mùa đông năm nào ở Hà Nội, đội cái mũ len, đi giày có lông ấm và đi học. Phải đến một ngày trở gió, khi vừa đi vừa tự nhủ rằng giá mà giờ được ngủ trong chăn ấm trong phòng, thay vì phải bước ra thư viện để học cho mid term, hay final. Thì mới nhận ra mình nhớ nhà.
Nhớ nhà để rồi lạnh lắm lạnh lắm vẫn chạy ra chỗ trà sữa mua lấy một cốc rồi lại về thư viện học tiếp. Nhớ nhà để rồi chỉ biết mở ảnh mọi người ra cười, xong rồi suýt khóc, mà không khóc được. Nhớ nhà để rồi khi rảo bước dưới trời mưa và sân trường Purdue, mình nhớ cái ẩm của Hà Nội, những ngày Hà Nội mưa phùn mùa xuân hay thậm chí là đông thỉnh thoảng có cơn mưa và nó buốt. Mình nhận ra mình vẫn mặc ngần này cái áo với cái lạnh 15 độ ở Hà Nội, và giờ đây Lafayette 5 độ. Có lẽ sau 3 tháng mình cũng đã quen với mọi thứ ở đây.

Đất nước mình, người người đi du học. Ai đi rồi cũng được nhắn nhủ, đi đi đừng về. Việt Nam khổ lắm. Đi đi rồi cố gắng học hành cho đỡ tốn tiền bố mẹ. Thế nhưng đi rồi mới biết, cái tình yêu nước, tình yêu quê hương, bao lâu nay học trong văn như một con vẹt, nhưng nó ở trong lòng thật. Đi rồi mới thấy thương. Đi rồi mới thấy nhớ. Và rồi nếu ai cũng đi hết, thì ai về làm nên Tổ Quốc?
Đi là để về, để về nhà, để ôm lấy đất mẹ và để đưa những gì mình học được cống hiến cho một thế giới tốt đẹp hơn. Cho chính nơi mình sinh ra.
(nghe có vẻ to tát nhưng mình nghĩ thế thật)
Là học sinh quốc tế ư? Mọi người vẫn nói, học sinh quốc tế có nhiều cơ hội, nhất là ở Purdue, một trong những ngôi trường đa chủng tộc nhất cái nước Mỹ này. Được đón chào bởi những tổ chức, những hoạt động của trường, chưa một lần bị kì thị, chưa một lần bị gạt đi. Mỗi sáng thứ 2 ở dining hall có phở chẳng phải đi đâu xa. Trà sữa đi bộ 20 phút là có 2 quán. Được học ở môi trường tiên tiến, tiếp thu những gì tiến bộ nhất của nền tri thức nhân loại. Được đi đây đi đó. Được sống tự lập. Được tự do. Được hiểu thêm về cuộc đời theo cách mình muốn.
Cũng đúng.
Nhưng rồi cũng có những bài của du học sinh chia sẻ, rằng thì là học sinh quốc tế khổ lắm, mọi người đâu biết đến những tính toán chi tiêu hằng tháng, mọi người đâu biết đến những sự cố gắng không ngừng. Mọi người đâu biết đến những mệt mỏi, áp lực từ gia đình, người thân. Mọi người đâu biết đến những nguy hiểm.
Cũng chẳng sai.
Nhưng đối với mình, học sinh quốc tế, hay đi học xa nhà, chỉ gói gọn lại bằng một từ "nhớ". Nhớ những bát thịt đông. Nhớ những con phố bụi. Nhớ những công trình xây mãi không xong. Sang đây mọi thứ đẹp lắm nhưng vẫn chỉ nhớ những gì quen thuộc. Nhớ những đơn vị kg, mét, nhớ và xót cả đồng bào mình vì một đồng ở đây bằng hai mươi ba nghìn đồng ở nhà. Gấp hai mươi ba nghìn. Nhớ xe máy. Nhớ cả ánh nắng chói chang của một "đất nước nhiệt đới đang phát triển".
Thế rồi sẽ lại tỉnh dậy, khi bình minh lên lúc 7h sáng và lại không tin mình đang mười ba nghìn cây số xa nhà.
Comments