top of page

Tết xa nhà - kể chuyện Tết

  • Writer: Trang Hồ
    Trang Hồ
  • Feb 15, 2018
  • 13 min read

Trong lúc mình đang viết cái blog này, em gái mình đang ở bên ngoại ăn tất niên với đủ các món bánh chưng, xôi, giò, thịt nướng, thịt đông, canh măng. Còn mình ngồi type với hộp hành muối (củ kiệu) ở bên cạnh.

Thường thì khi một cái gì đấy qua đi rồi mình mới viết về nó. Kiểu như là đáng ra phải xong Tết rồi mình mới viết về Tết, cơ mà mình muốn cái blog đầu năm mới nó sáng sủa tươi vui một chút, chúc mừng rộn ràng một chút, chủ đề vui vẻ một chút. Nên là hôm nay mình kể chuyện vậy.

Nói ra mình đã chuẩn bị cho những ngày này cả năm nay rồi, từ khi biết rằng mình sẽ đi du học. Tết cuối ở nhà, mình làm được nhiều thứ hơn các năm cũ, để ý nhiều thứ hơn các năm cũ, trân trọng hơn các năm cũ. Tết nào cũng thế, 23 ông Công ông Táo, 28 hoặc 29 về quê. 30 bố mẹ mới được nghỉ, ăn tất niên 2 bữa 1 bữa nhà ngoại 1 bữa nhà nội. Chăm đào chăm quất chăm mai. Ăn bún thang. Năm nào cũng chỉ là sự kiện ấy, nhưng phải đến mãi năm ngoái mình mới nhận ra cái hơi thở của Tết nó như thế nào.

Mình nhận ra Tết bắt đầu từ khi bố mang đào/quất về nhà, thường là rằm tháng Chạp. Cây đào to, khỏe, thân được uốn điệu đà, cành mọc đều chằn chặn với đủ hoa nụ chồi lá quả, đúng như tiêu chuẩn của bố về một cây đào đẹp. Mình nhớ có một năm, bố mua được cây đào dáng chữ V ("Victory"), bố ưng lắm, chăm bẵm suốt. Cứ 3 4 ngày lại giục chị em mình xuống tỉa hoa để hoa mới còn lên. Người ta bảo hoa đào mà rộ nhất vào 30 mùng 1 Tết nghĩa là năm đấy sẽ đẹp. Trong kí ức của mình, chỉ có một năm Hà Nội nóng, đào nhà mình tưng bừng hoa lá từ hôm ông Công ông Táo. Bố cứ liên tục kêu "Năm nay đào không được mùa".

Là người miền Bắc nhưng mà mình lại thích mai. Thích ban đầu bởi vì mai có trong tên mình, thứ hai là màu vàng nó đỡ nữ tính hơn màu hồng. Mai thường nhỏ nhỏ thôi, không tốn chỗ, dễ chăm. Và dù trời có nóng mai cũng sẽ mở đúng ngày. Ít khi lắm, nhà mình có cả 3 cây đào mai quất, 1 ở tầng 1, 2 cái ở tầng 2. Mẹ hay bảo mua mai cho Miu (mình) còn đào cho Bi vì Bi thích màu hồng. Mẹ còn thích cả hoa lan, nhưng cái sự điệu đà và mềm mại của lan lại không khiến cho bố con mình hứng thú.

(Tết là chỗ nào cũng sạch và có cờ như thế này)

Thế rồi những ngày sát Tết trôi qua cũng nhanh thôi, ở Ams thì sát Tết còn hay có prom nữa, bận prom xong lại nghĩ đến Tết Ấm Áp. Đến khi để ý thì nhận ra mình đã bắt đầu ăn giò chả, chuẩn bị đến "mùa gà luộc", miến măng và xôi rồi. 23 tháng Chạp ông Công ông Táo, với nhà mình đã không quan trọng từ lâu, vì bố mẹ mình bận, hầu như lễ bái là bà làm. Nhưng mình vẫn nhớ hồi còn nhỏ, lên đốt giấy, hóa vàng, xuống cùng bà làm con gà đầu tiên cho một mùa Tết sắp tới. Hồi đấy nghe bà kể, đốt cá (Giấy) để cho ông Công ông Táo (người giữ nhà mình) lên trời còn chăm sóc cho các cụ, mình còn tưởng trong góc bếp nhà mình có mấy ông thần thật. Nhà mình chưa bao giờ đi thả cá, hoặc chỉ bà thả, còn mình chưa được. Nhưng suy cho cùng, thả hay không thả, cũng quan trọng ở niềm tin.

Mình sẽ được nghỉ Tết vào tầm 25 26, có năm ngoái, Tết chỉ có đến 29 thôi, mà 27 mới được nghỉ. Cảm giác Tết cuối đã ngắn lại còn ngắn hơn. Nghỉ ở nhà mấy ngày đầu thì cũng có gì làm đâu, bình thường còn đi Tết Ấm Áp, đi ăn uống với bạn bè, cho nốt cái năm cũ. Rồi về nhà, bắt đầu dọn dẹp. Mình rất là mê tín. Thật sự luôn. Mình thường nghĩ là nếu mình không dọn phòng trước giao thừa, thì có nghĩa là mình mang điềm xui năm cũ đến năm mới. Mà dọn phòng ở đây mang nghĩa là dọn từng kẽ một luôn. Và thường cái phòng mình nhiều đồ quá sẽ mất khoảng 3 4 ngày để dọn. Giữa lưng chừng dọn phòng thì sẽ đến ngày về quê (vì bố mình nghỉ Tết muộn). 28 Tết (thường là thế), mình, bố và Bi sẽ cùng nhau về quê, thăm mộ, thăm họ hàng (nhận lì xì nữa hihi), rồi được bố chở đi ăn ở mấy quán bình dân mà rất ngon. Năm ngoái, khi thật sự nhìn đường về quê, nhìn trời nhìn đất, thật sự cảm nhận Tết, mình nhận ra Tết nào cũng vậy, cũng là đống bài hát xuân ơi xuân đã về rồi các thứ đấy, nghe mãi cũng chán, nhưng những bài hát đấy lại làm cho mình biết là Tết đến rồi. Không có chúng nó, sẽ chẳng bao giờ còn là không khí Tết nữa.

Về chuyện về quê, ngày xưa (hồi tầm cấp 1 cấp 2), mình không thích về quê tảo mộ lắm. Kiểu lần đầu tiên mình về quê tảo mộ, mình bị cỏ may bám hết vào người. Rồi một lần khác, mình bị trượt chân (vì hôm đấy trời mưa), mà ngã vào vũng bùn đến mức cái áo hôm đấy mình mặc thành màu cháo lòng. Mình là đứa ưa sạch sẽ, khô ráo, và nói chung mình còn sợ sệt ma quỷ các thứ, nên mình không thích về tảo mộ. Còn đi thăm họ hàng, mình (lúc đấy), thấy họ hàng là cái gì đấy xa lắm, kiểu cả năm gặp một lần, ngại lắm bố ạ. Xong rồi dần dần mình cũng không hiểu sao mình thích về quê nữa. Có lẽ một phần, việc về quê tảo mộ và đảm đang lo toan thăm thú gia đình là việc của một người con gái, và mình là con gái trưởng (theo mình được dạy, hoặc mình cảm thấy thế). Phần nào mình thấy tự hào và có trách nhiệm hơn. "Không phải ai cũng được về quê", mình nghĩ thế, và dần dần, 28 Tết về quê, là một điều đáng mong đợi.

29 Tết, mình lại quay trở về với công cuộc dọn nhà, mà thường thì sẽ kéo dài đến tận 30 Tết. Nhà mình hay tất niên vào 29, vì còn phải sang nhà ngoại nữa (sang và trưa 30), thế nên trưa (hoặc chiều 29), nhà mình và nhà cô mình (em bố mình) sẽ tập hợp lại ăn tất niên. Giờ mình tự nhiên quên, không biết nhà mình ăn bún thang vào tất niên hay ăn sau nữa, nhưng mình biết là kiểu gì mâm cũng có gà luộc và giò xào, hai cái mình thích nhất. Trước đây mình không thích ăn giò đâu, có 3 4 loại giò 1 Tết, nào là giò bò, giò lợn, giò xào. Mình không thích tại giò nó khô khô. Xong rồi đến khi mình nhận ra giò xào không khô, lại còn giòn giòn vì có mộc nhĩ, mình thích kinh lên được. Còn gà luộc, thôi khỏi nói nhé, mình thích ăn gà luộc từ thuở nào thuở nào rồi, mà lại thích ăn "luộc" cơ, trong khi chẳng ai thích cả. Nên Tết là thiên đường với mình.\

Nói thế chứ kể chuyện tất niên không phải để nói về món ăn ngày Tết. Mình kể chuyện tất niên để nói cho mọi người nghe cái mà Tết cuối ở nhà mình đã nhận ra, một thứ cực kì thân quen, đưa mình về tuổi thơ và những lúc nghịch ngợm. Đấy là cái lúc, bà gọi "xuống ăn cơm", và 4 chị em mình cùng chạy xuống. Cái tiếng 8 cái chân chạy cực kì nhanh trên cầu thang, là cái tiếng của 18 năm ròng, của những kí ức xa xưa khi mình, Minh và Nam (2 đứa em họ của mình - con cô mình. Minh bằng tuổi mình, Nam hơn mình 4 tuổi. Bọn mình cực kì thân nhau), cùng ăn bữa cơm bà nấu, ngồi tụ tập, được ăn những món riêng, bên cạnh là Bi (lúc đấy còn bé), được mọi người đút cơm cho ăn. Cái cảm giác quây quần mà chỉ khi bọn mình còn bé mới có. 18 năm trời, bởi vì mình lớn lên, và các em lớn lên, nên rồi bọn mình quên mất. Hoặc vì việc bọn mình ở bên nhau là quá hiển nhiên, nên mình chẳng bao giờ để ý những bước chân cùng chạy xuống cầu thang vẫn như mười mấy năm về trước. Cái tiếng "rầm rầm" mà bà hay quát "cẩn thận không ngã đấy" sao mà giống nhau, và dù cho là chúng chỉ là những tiếng bước chân, thì lúc mình nhận ra chúng nó, vẫn là nhiều hơn những tiếng động. Lúc mình nhận ra chúng nó, là cả một quãng thời gian lớn lên cùng nhau, trong một mái nhà, mà giờ mình sắp phải đi xa.

Bên trên mình có nói về bún thang. Bún thang là món bà mình hay nấu vào Tết, kể từ một năm nào đó mà em của ông nội (nghĩa là một bà khác), rủ mọi người sang nhà bà í ăn bún thang bà í làm. Và xong mọi người khen ngon. Có những thứ rất buồn cười về bà nội mình. Bà nội mình khi thấy ai thích cái gì là phải làm cái đấy ngay, kiểu như khi mọi người khen món bún thang nhà bà kia ngon, từ đấy trở đi Tết nào bà nội cũng làm bún thang. Hay nếu mà mình/em gái mình thích một món gì đấy đặc biệt, bà sẽ nấu món đấy cả tuần. Bà cũng thích nấu những món mới do bà sáng tạo ra, thường thì cũng ngon, nhưng nhiều khi cũng vô cùng khó hiểu. Mà trường hợp khó hiểu sẽ dẫn đến chuyện bố và bà mình cãi nhau ("Tranh luận" - trích lời mẹ mình nói). Bà nội nấu ăn cho mình (Và Minh và Nam và Bi) từ bé, nên có thể nói những món ăn tuổi thơ của mình, như trong bao cuốn truyện của những ông nhà văn khác, là món của bà nấu. Chỉ khác rằng mình không phải bao ông nhà văn lỗi lạc ấy, mình không thể kể cho mọi người nghe về cái độ đặc vừa phải của bát cháo thịt thơm nức mũi bốc khói ngào ngạt bà nấu vào mỗi lần mình viêm Amidan, hay nước sốt lóng lánh từ món thịt sốt cà chua cực kì đơn giản mà mình từng ăn hằng ngày hồi ba tuổi. Mình không biết làm sao cho mọi người thấy được bát thịt đông cắt ngọt của bà, phần nước dùng trong suốt với vài miếng một nhĩ cắt đều tay. Mình đã thử làm lại thịt đông bà làm mà chưa bao giờ được ngon như thế. Rồi mình tin rằng mọi người sẽ chỉ thấy nó ngon khi mọi người được ăn bát canh cá rô trứng vào một ngày đông buốt giá, hay bát canh rau đay cua đồng bà chọn lựa cẩn thận mỗi lần chợ phiên. Hai loại canh đấy trong tâm trí mình là đại diện cho bà và ông nội - một mối tình đẹp như cổ tích chỉ còn tồn tại trong những kỉ niệm và bài hát. Mình yêu Tết, mình yêu bà mình, và mình yêu những món ăn của bà. Cho dù Tết của mọi người là bánh chưng, là miến mọc bóng nước, là cái này cái nọ mỗi nơi một khác. Nhưng chắc mình sẽ chỉ nhớ nồi xôi gấc bà nấu hơi ngọt, đống hành muối chua hơn bình thường vì cháu gái thích ăn chua, và trên hết, mình nhớ những con gà ta luộc lóng lánh nước dùng với da vàng căng bóng, mà bà khó tính lựa chọn ở chợ rồi về cẩn thận luộc vài ba lần đến độ hoàn hảo. Vì bà bảo phải là gà ta luộc mới thơm, phải luộc như thế này nước mới không bị đục, phải làm thế này gà mới mọng nước. Và phải ngon như vậy, vì "giống bà" thích ăn gà.

Thật sự, dù winter break về mình được ăn bù bao nhiêu gà cho Tết, cũng là không đủ.

(Theo lời Bi thì đây là chú gà ngậm hoa hồng của nhà mình năm nay :<)

Và rồi mình lại kể chuyện Tết cho các bạn nghe, 30 Tết, sau những bữa tất niên, những bữa cơm bình thường, sẽ là những thủ tục cuối cùng trước khi năm mới. Đấy là khi mẹ mình "tạo nên điều kì diệu", bởi vì trong khi mình cần 3 ngày mới dọn xong cái phòng của mình, thì mẹ chỉ mất 2 tiếng tối 30 để dọn sạch tầng 1 (bếp) và tầng 2 (phòng khách). Nhà mình thì sạch đấy, nhưng có bà, và bà thì cũng muốn có nhiều đồ dùng ở bếp, nên nhiều khi bếp hay loạn lên vì có nhiều đồ. Xong rồi, đêm 30 Tết, mẹ mình sẽ làm, theo một cách gì đó, mà cả tầng 1 trở nên trống trơn, trở nên cực kì tao nhã với bộ ấm chén, và li rượu, bình hoa, bình nước và chai rượu vang. Rồi tầng 2 cũng thế, cho dù mình với Bi có mang bộ ấm chén tiếp khách "nữ hoàng" xuống bày từ 25, thì phòng khách vẫn không sáng bóng được như khi 30 Tết mẹ động vào. Mình vẫn không biết mẹ làm thế nào, mình chỉ biết sau khoảng thời gian mình và em gái xem Táo Quân, rồi tắm nước mùi (thơm tho), bước xuống tầng đã là một thế giới khác.

Người ta nói về Tết là nói về Táo quân, nhưng mình toàn xem Táo quân sau Tết. Ấy là vì phần nhiều, mình đón giao thừa ở cơ quan bố (Tây Tựu hoặc Ba Vì - bố mình phải đi trực. Ngày xưa mẹ mình cũng phải đi trực, giao thừa chỉ có bà ở nhà cúng thôi. Chị em mình mỗi đứa đi cùng với 1 người, mẹ hoặc bố. Sau này mẹ nhàn hơn, không phải đi trực nữa, thì cả 2 đi với bố. Rồi đến một thời gian, bọn mình không đi nữa, mà ở nhà với bà. Và từ đấy, bọn mình mới xem Táo quân đêm giao thừa.) Mình nói về Tết, mình nhớ về 3 tiếng trước giao thừa ngồi cẩn thận soạn từng tin nhắn chúc mừng năm mới cho từng người một, để đúng khi pháo hoa bật lên, mình sẽ ấn send. Nhiều khi mạng nghẽn, nhiều khi không soạn kịp (có năm mình từng soạn 100 cái tin liền). Nhưng về cơ bản, đấy lại là một cái mà mình mê tín. Không soạn kịp là hỏng những mối quan hệ trong năm mới.

Và rồi pháo hoa, và rồi 30 Tết. Trong bộ đồ ngủ, mình mẹ Bi và bà chúc mừng năm mới nhau, gọi điện cho bố, cho bác Tuân lái xe, uống chút rượu vang, ăn xôi gấc cho đỏ. Ăn lộc, nhận mừng tuổi, nghe chủ tịch nước phát biểu. Nhưng thứ mà nhà nào cũng làm. Cũng chẳng có gì đặc sắc, năm mới lại đến. Năm ngoái khi mà mình để ý từng tí một của Tết, mình đã đợi một cái gì đấy kì diệu hơn vào giao thừa. Mình cũng chẳng biết là điều gì. Mình skype với người mình yêu, nói chuyện, mình ở dưới với mẹ với bà, chờ xông nhà. Mọi thứ bình thường. Và mình nhận ra, thực sự Tết nó không phải là cái gì đấy lớn lao hay kì diệu cả. Nó là sự quây quần, là những điều quen thuộc, mà rồi mình cứ hay nghĩ rộng hơn, nghĩ về những điều gì đấy kì diệu, những điều gì đấy to tát. Mình thường đi xa, mình thường làm những điều tự nguyện cho cộng đồng, mình thường thương người khác. Nhưng mình ít khi thương đến bố mẹ, bà và em gái (hay chí ít, mình cảm giác như cái sự quan tâm của mình cho gia đình nó không nhiều, nó không cực kì nhiều như mình dành cho Ams hay cho khối). Mình mong đợi cảm giác lâng lâng, như đầu năm học mới, như khi đón khóa mới và cả khi Most Wanted Class. Cái mình không nhận ra, là bên gia đình thì mới có bình yên. Làm gì có phốt, làm gì có đau đầu và phản bội. Chỉ có yêu thương và vỗ về thôi, nên giây phút đó, giây phút pháo hoa bắn lên đó, mình không thấy điều kì diệu. Vì có điều kì diệu gì xảy ra đâu.

Và mình còn biết thêm một điều nữa. Với mình, hết 30 là hết Tết. Bởi vì trước 30 mình còn có suy nghĩ là làm cho một năm mới không xui. Làm những điều tuyệt vời cho căn nhà, cho gia đình, làm những cái truyền thống của bản thân. Như khi mẹ dọn nhà, như khi mình vứt sạch rác. Như khi tắm nước mùi, hay thậm chí là cẩn thận tẩy da chết, ... Tết đến khi ngồi với mẹ và em ở dưới tầng 1 (phòng ăn) sau giao thừa, gặm cái đùi gà lộc, thế là hết. Sau đấy là chuỗi mùng 1 mùng 2 mùng 3 đi chúc Tết, đi chùa (đông ơi là đông ai cũng đi), tiếp tục ăn (mọi người đã chán nhưng mình thì chưa), rán bánh chưng, gặm gà, ăn giò, ăn bánh chưng không rán, lại gặm gà, ăn giò. Chuỗi những ngày nghỉ ngơi, nhưng cũng lại quá nghỉ ngơi làm cho mọi thứ trở nên thật vô nghĩa. Chúc Tết và ở bên gia đình có nghĩa, nhưng ở lâu quá đâm ra mọi thứ là nhạt nhòa. Lại ngủ đến 12 giờ trưa, hoặc nằm trong phòng xem tennis. Vì khi đi chúc Tết xong, đi Quốc tử giám xin chữ xong, đi chùa xong (mà chỗ nào cũng đông), thì mình lại về, và lại ăn gà (và mọi người chán, mình thì không). Và rồi mùng 2 mùng 3 gì đấy lại cúng hóa vàng, thế là hết Tết.

Thế nhưng mà, cho dù là Tết có như thế nào, chán hay không chán, có nghĩa hay không có nghĩa, thì mình vẫn thèm một chút Tết. Một chút "thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh", một chút gà luộc, một chút phong bao lì xì. Mình vẫn thèm được đi chơi, được đi chút Tết, được mặc quần áo mới điệu đà, được ở với Bi và mẹ và bố, đi mua muối đầu năm, đi xin chữ, sang nhà người mình thương chúc Tết. Mình vẫn muốn được thấy cây đào to đùng, năm nào cũng nằm ở một chỗ đấy ở trường Ams, vẫn muốn thấy Hà Nội vắng tanh hôm 30 Tết, và những vỉa hè đầy mai đào quất. Vẫn muốn ngồi khai bút đầu năm nắn nót. Dọn nhà dọn cửa chạy thời gian. Mình vẫn muốn ăn đồ Tết đến chán thì thôi, ngủ đến khi trương mắt trương bụng, lên vài cân. Bởi vì khi mình đi rồi, mình mới nhận ra mình yêu Tết lắm. Mình là người truyền thống, nên mình yêu Tết lắm. Và mình đánh đổi đống bài tập này cho Tết, thì sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu.

Hà Nội 30 Tết

(Ảnh: Page Hà Nội)

Và trên hết, nếu mình đang ở nhà ăn Tết, em gái mình sẽ không hành hạ mình với đống insta story mỗi 5 phút một lần như bây giờ. Mình sẽ tự bước xuống tầng 1, và bảo bà ơi, cho cháu ăn, giò chả xôi gà hành thịt cái gì cũng được ạ!


Comentários


bottom of page