top of page

Fam Sún

  • Writer: Trang Hồ
    Trang Hồ
  • Apr 15, 2020
  • 9 min read

Từ bé cho tới tầm 11 12 tuổi, đối với mình, bố rất mờ nhạt. Nói thế không phải bố không tham gia nhiều vào những hoạt động dạy dỗ mình, mà bởi vì bố mình bận rộn, phải đi công trường nhiều, với lại mình nghĩ rằng một đứa con gái thì lúc nào cũng có vẻ quấn mẹ hơn (khi còn bé). Một vài kí ức duy nhất của mình với bố ngày ấy là bố rất giỏi Sử Địa, bố hay cho mình đi bảo tàng, đi hiệu sách. Bố mua cho mình gần đầy đủ bộ Lịch sử Việt Nam bằng tranh, mình đọc ngấu nghiến thuộc không thiếu chữ nào (giờ mình cũng quên bớt rồi). Bố bảo con không cần học quá giỏi, nhưng Sử Địa thì phải biết. Chắc bố mình là người bố duy nhất trong những người mình quen không cần con phải giỏi Toán Lý Hóa mất.

Mình còn nhớ trên phòng bố có một cái bản đồ thế giới rất to. Ngày đấy trò chơi yêu thích của mình mỗi tối là lên phòng bố, để bố cho mình tên một đất nước và mình sẽ tìm xem đất nước đấy ở đâu trên bản đồ. Với Mai Trang học lớp 4 lớp 5, mình không nhớ được chính xác các đất nước ở châu lục nào, mình không thể nhớ bố đã hỏi bao nhiêu đất nước, mình chỉ thấy bố thật sự biết quá nhiều điều, quá to lớn, và quá đỉnh. Tại sao châu lục nào bố cũng biết, tại sao sự kiện lịch sử nào bố cũng thuộc? Mình không biết bố có bao giờ bịa ra điều gì không, nhưng mình vẫn thấy bố thật đỉnh.

Lớn lên rồi, mình được bà kể chuyện, bố là người học rất giỏi. Nhưng không giỏi Văn Sử Địa như mình từng nghĩ, mà bố học chuyên Toán Lý. Bố còn được đi thi học sinh giỏi, được học ở trường chuyên tỉnh. Chỉ có một điều là bố rất rất nghịch, và vì thế mà bố làm bà với ông nhiều lúc rất phiền lòng. Càng vì những câu chuyện bà kể, những giây phút ngốc nghếch của bố ngày bé và cả những chuyện 1 quyển vở viết 13 môn hay cưa cửa sổ lớp đi bắn bi của bố, mình lại càng cảm thấy bố thật giỏi. Bố chưa bao giờ thất hứa với mình. Bố luôn để tâm khi chơi cùng mình. Bố nghe điện thoại khi đi xe máy, không tốt lắm, nhưng bố cho mình ăn thịt xiên khi mẹ không cho. Bố luôn rất tin mình, rất rất tin mình. Về sau này khi lớn hẳn lên, khi Bi cũng biết biết mọi thứ rồi, Bi suốt ngày bảo mình là gái rượu của bố. Mình thật sự không muốn nghĩ thế vì mình yêu Bi, nhưng mình cũng hơi hơi biết thế.

Bố luôn đánh giá cao việc trải nghiệm hơn là học hành. Ngày mình đỗ cấp 3 Ams, bố đã tự hào lắm, vì mình học chuyên Lý. Khi Bi vào cấp 2, Ams xét tuyển chứ không thi nữa, Bi không có giải gì, nên nhà mình lựa chọn giữa Lê Quý Đôn/Giảng Võ và trường quốc tế cho Bi. Mình nhớ mãi câu bố nói "Học ở đâu chẳng được, quan trọng là trải nghiệm và nên người thôi". Mình chưa bao giờ bất đồng quan điểm với bố. Nhưng lần đấy, mình khuyên mẹ cho em vào quốc tế. Bởi vì mình nghĩ rằng đối với Bi, môi trường quốc tế sẽ phù hợp hơn. Mình chưa bao giờ hối hận với quyết định đấy, và mình nghĩ đấy là một trong những quyết định lớn đúng đắn đầu tiên trong cuộc đời mình.

Nói vậy không phải là mình không đồng tình với quan điểm của bố về sự trải nghiệm. Thật ra khi bị điểm kém, nhiều khi mình cũng hay lấy mấy câu nói của bố ra để tự an ủi bản thân (Đùa đấy). Ý mình là, mình là đứa thích học xã hội hơn tự nhiên cũng rất nhiều phần là ở cách dạy của bố. Có thể mẹ mình ảnh hưởng rất nhiều và trực tiếp tới cách bọn mình lớn lên, nhưng mình có ảnh hưởng từ bố một số phần mà mọi người đều không ngờ tới. Bố mình là người bươn chải, vất vả. Bố lăn lộn ở công trường nhiều, mặt và tay bao giờ cũng khác màu. Mình thừa hưởng mái tóc xanh và làn da trắng của bố, nhưng thực chất rất ít ai nhận ra vì - mình nhuộm tóc rồi, và bố thì đi nắng quá nhiều. Bố thích những chuyến đi xa, "thám hiểm" - từ bố dùng, những chuyến đi bằng xe máy, "phượt", lên vùng cao, ở những chỗ thường thường thôi, nhưng trải nghiệm nhiều, chịu cực chịu khổ cho biết. Bố luôn quan niệm rằng nước mình cứ đi hết đi, hiểu hết đi rồi hẵng đi nước khác. Cũng vì nước mình còn giàu còn đẹp, và bố thì cũng khó đi được nước ngoài.

Thật ra giờ nghĩ lại, mình cảm thấy thế thì bố thật cô đơn. Nhà có 2 cô con gái, chắc chắn bọn mình chả lăn xả được như bố. Mẹ mình thì ngược lại, theo chủ nghĩa tận hưởng relaxing hơn mỗi lần đi chơi. Mẹ sẽ thích ở khách sạn đẹp, ăn 5 sao, ngủ nghỉ, chứ không đi thám hiểm và chân ướt chân ráo đến với những khu miệt vườn hay hái quả ngay tại miền Tây (vì mẹ sợ sâu). Nhà mình hiếm khi đi chơi được đủ bốn người, cũng vì sự khác biệt trong cách "nghỉ mát" của bố mẹ, và nhiều phần vì bố bận, mẹ bận, lịch không trùng nhau. Nhưng hầu hết những năm tháng còn nhỏ, mình thật sự thích đi với mẹ hơn. Đứa trẻ con nào chả thích được ăn sung mặc sướng. Con gái thì lại chả thích những chỗ đẹp đẹp, sạch sạch, đi spa các thứ chứ.

Lớn lên rồi, mình không còn như thế nữa. Mình vẫn thích được ở khách sạn đẹp và ăn ngon, nhưng mình không ngại đi với bố và đi bươn chải các thứ nữa. Bi thì đặc sệt tính mẹ rồi nhưng mình vẫn còn một phần nào đó có thể chấp nhận sự ẩm ướt và côn trùng để đi khám phá được, vì bản thân mình là một đứa muốn viết, và để viết thì phải có trải nghiệm. Mình cũng đam mê Sử Địa một mức độ nhất định, để những chỗ bảo tàng, những khu lịch sử ở Hà Nội là không đủ nữa. Đúng rằng mình vẫn là một đứa chăm đi với bạn bè hơn là gia đình những năm tháng cấp 3, nhưng mình cũng có phần nào đó muốn dành thời gian cho gia đình, đi Huế hay miền Tây, lên Tây Bắc hay Sapa. Và điều quan trọng, là đi với bố, thì mình không bao giờ bị đánh giá.

Bố mình không phải là người dễ tính nhất. Mình cũng vậy, và mẹ cũng vậy. Bố cũng không phải là người tinh tế nhất. Và đúng bố rất hay cà ràm việc mẹ với Bi quá thích khách sạn năm sao và những bữa ăn "đấm vào mồm", nhưng bố chưa bao giờ coi thường hay đánh giá mình, vì bố biết mình có cố gắng. Bố cũng thấy được là mình có muốn tìm hiểu những thứ đấy chứ không chỉ làm cho bố vui. Bố biết tính mình. Có lẽ những năm tháng có người yêu phần nào cũng cho mình hiểu hơn được sự nhẫn nhịn của mẹ. Nhưng mình yêu bố cũng bởi vì bố biết mình vẫn thích được ở khách sạn xịn và ăn ngon nhưng cố gắng vì bố và vì kiến thức mình có được. Nên bố cũng lại chiều mình tìm chỗ nào ok hơn cho mình ở hay nhường cái giường không ẩm cho mình nằm. Và rồi bố luôn khen và tin tưởng mình ở một mức độ vừa phải đối với bố và đối với mình, để mình cảm thấy rằng mình có thể thoải mái với bố, mình không bị đánh giá, mình có thể vẫn là một đứa sợ rêu sợ ẩm, nhưng vẫn có thể đi cùng với bố được. Mình vẫn thích những quán ăn bên đường với những con ốc đỉnh vl đỉnh, và mình vẫn thích ăn steak ở trong nhà hàng 3 Michelin stars. Điều đấy không có nghĩa gì cả, ngoại trừ việc mình có thể thỏa hiệp, và mình rất rất trân trọng việc bố tôn trọng mình cũng như hiểu cho mình về điều đấy.

Bố với mình rất hay cãi nhau. Những năm tháng cấp 2 và cấp 3 là nhiều nhất, vì hồi đấy mình dậy thì, nổi loạn, mình hay cãi. Còn bố thì nóng tính. Bố có thể vác ghế đuổi mình và phá cửa để vào đánh đòn mình. Và mình cũng có thể gân cổ lên kêu cứu bà con làng xóm để bà nội hớt hơ hớt hải chạy lên xin. Nhưng vấn đề ở đây là mình luôn yêu bố. Và bố luôn tin mình. Sau này khi hết cãi nhau rồi, mình có thể nói chuyện với bố nhiều hơn. Và khi mình sắp đi du học, mình bảo bố rằng, mình nhận ra mình chưa biết quá nhiều về Hà Nội, tới khi mình sắp đi rồi mình mới có thể được đến những chỗ mà mình luôn mong đến, học về những điều mà mình luôn mong làm, ăn những thứ mà mình luông mong ăn. Và bố thật sự rất tự hào về điều đó. Mình chưa bao giờ cố gắng khác đi vì ai cả, mình luôn sống thật là mình với những mong mỏi của mình, với những con chữ của mình. Bố biết mình thích được trải nghiệm và học hỏi thêm là thật, bố biết mình có muốn đi miền Tây với bố là thật, vì thế bố mới không thất vọng vì mình. Nhưng bố cũng biết mình muốn dành thời gian cho bạn bè, cho Ams, cho môi trường của mình, cũng là thật. Bố và mình được sinh ra và lớn lên ở những môi trường cực kì khác nhau. Cho dù có cùng sống dưới một mái nhà, thì vẫn có những suy nghĩ và quan điểm khác biệt đến từ những môi trường ấy. Mình đề cao sự xuất chúng và sự tự do trong tính cách, bởi Ams cho mình thích làm điều gì cũng được, là chính mình, được làm những điều mình thích, được theo đuổi những thứ mình cần. Ams cho mình một môi trường toàn những con người giỏi để học tập theo và cố gắng hơn nữa. Và Ams khiến cho mình có sự hoài bão, những khát vọng rất lớn, vì Ams chắp cánh những ước mơ. Ams cho mình những trải nghiệm khác bố. Nhưng bố, với 50 năm tuổi đời của mình, với những va vấp và những thiệt thòi trước đây, trong công việc, trong cuộc sống, bố có những trải nghiệm khác. Bố có những quan điểm khác. Bố vẫn tin vào việc học hành, bởi vì câu nói kinh điển của bố là "cái gì cũng phải biết những thứ cơ bản", nhưng bố cũng dạy cho mình "sống là phải biết so sánh" bởi vì từ những trải nghiệm bố có, nếu không rút ra bài học và cố gắng tiếp tục vươn lên từ những điều mình học được thì cũng chả để làm gì. Và đúng rằng nhưng quan điểm ấy có thể được rút ra từ những môi trường khác nhau, nhưng bố sẵn sàng chia sẻ những điều bố học được cho mình, và mình cũng sẵn sàng tâm sự những điều mình nghĩ cho bố. Điều đấy chỉ xảy ra khi hai người thật sự tôn trọng nhau và tin tưởng nhau. Trên hết, điều đấy chỉ xảy ra, khi hai người biết được rằng, mình không đúng hoàn toàn và sai hoàn toàn. Đã là quan điểm thì nhìn chiều nào cũng đúng. Bố và mình, dù có sự bảo thủ nhất định, vẫn có một phần nào đó rất open cho đối phương. Cho dù là bài học gì đi chăng nữa, có lẽ con người ta cũng phải đánh đổi một vài điều để đạt được. Và nếu đã trải qua rồi, sẽ có lúc, mình không hề mong một người khác phải đánh đổi giống mình để đạt được cái mình đã học. Chỉ đơn giản là vì nó quá đỗi đau lòng thôi.

Bố với mình có bất đồng quan điểm. Có cãi nhau. Có bực bội. Có rất nhiều cái, mình không đồng tình với bố. Ví dụ như cái tính sĩ diện typical của đàn ông Việt Nam mà mình sẽ không bao giờ chấp nhận ở chồng mình trong tương lai. Và bố với mình vẫn có lúc căng thẳng với nhiều vấn đề mà đương nhiên mình sẽ không kể hết được. Nhưng cô mình có hỏi mình khi mình đang rất giận bố một câu rằng "chẳng lẽ bố chỉ có những điều xấu như vậy sao?". Và mình biết câu trả lời là không. Bởi vì có rất nhiều điều tuyệt vời ở bố, mà điều tốt đẹp nhất bố cho mình chính là niềm tin, rằng mình sẽ làm được, rằng bố ok với việc con là chính con, con làm gì cũng được miễn là con vẫn ngoan. Bố chấp nhận con. Điều đấy đối với mình là một điều rất hiếm, vì có lẽ cả cuộc đời này điều duy nhất mình kiếm tìm, là sự chấp nhận. Sự chấp nhận bản thân, sự chấp nhận con người mình, sự chấp nhận những quan điểm và suy nghĩ của mình. Sự chấp nhận mình chỉ mong mỏi cuộc sống này bớt đánh giá đi và sống thật để hiểu nhau hơn.

Comments


bottom of page