top of page

[Review sách] Tôi đã chết vào một ngày nào đó

  • Writer: Trang Hồ
    Trang Hồ
  • Oct 15, 2018
  • 9 min read

Tôi đã chết vào một ngày nào đó - Lee Kyung Hye

Tôi đã chết vào một ngày nào đó,

Liệu cái chết của tôi có ý nghĩa gì không?

Đây là một trong số những cuốn truyện hi hữu mà mình mua bởi cái tên. Thói quen đọc sách/truyện của mình là đọc mấy phần giới thiệu ở cover rồi mở sách ra đọc random 3-4 trang. Nhưng cuốn này thì không, mình thấy tên, mình mua, hơi ủ rũ nhỉ? Thật may mắn là mình không hề thất vọng.

Truyện cũng khá mỏng, mình đọc liền tù tì hơn 1 tiếng rưỡi là hết, đủ cuốn để đọc hết một mạch. Văn phong của Lee Kyung Hye cũng không phải quá đặc biệt, khi đọc giới thiệu về bà, mình có chú ý đến đoạn"những đứa trẻ trong tác phẩm của bà sống động đến ngỡ ngàng". Và đúng vậy, có lẽ bởi vì văn bà viết nhiều phần hồn nhiên, trẻ con và quá thật. Ở cuối cuốn sách, phần "Lời cảm ơn", bà có nhắc đến việc bản thảo đã được qua tay rất nhiều cô cậu học sinh để chắc chắn rằng mọi thứ được thật nhất - cái này mình đánh giá rất cao, vì nó đã hiệu quả. Mình nhận ra là trẻ con thì đâu cũng giống nhau, không cần phải là Việt Nam hay Hàn Quốc. Những xúc cảm của cô bé Yoo Mi xuyên suốt cuốn sách, hay những dòng nhật kí của Jae Joon - văn của một cậu bé lớp 9, mọi thứ đều cực kì gần gũi. Ngay cả lời dẫn truyện, cách miêu tả "đập vào gốc cây anh đào bôm bốp" "bay lên không trung như những cánh hoa" cũng rất giản dị. Tên truyện có vẻ u ám, nhưng thật ra truyện không như vậy.

Tương tự thế, Yoo Mi, được miêu tả là một cô bé cá tính, có phần cục cằn, thích nói về cái chết, thích viết nhạc sầu. Cô bé tự nhận tâm trí mình là đứa tăm tối, trong khi Jae Joon thì lại đáng yêu và trẻ con với nụ cười bừng sáng. Đọc hết 180 trang truyện thì mình nghĩ, cái tăm tối của Yoo Mi cũng vẫn là tăm tối của một đứa lớp 9 thôi. Phần nào đấy, mình thấy mình của lớp 9 trong Yoo Mi, ương bướng, cũng tỉnh bơ nói về cái chết, vì mình nghĩ rằng cái chết là thứ không tránh được, nó có thể đến rất bất ngờ, và thật sự người ta không nên quá e dè nó. Chỉ là, mẹ mình thì không thích mình nói về những điều như thế một tí nào.

Và mình gặp rất nhiều suy nghĩ của mình trong câu chuyện của Yoo Mi và Jae Joon. Cũng ngộ ra rất nhiều điều, từ những dòng nhật kí của Jae Joon, như Yoo Mi vậy.

1 phần 3 đầu tiên của truyện mình suýt khóc. Sự vật vã, đau khổ của Yoo Mi khi mất đi người bạn thân, cái hụt hẫng, trống rỗng, cảm giác nhìn đâu cũng thấy Jae Joon chạm sâu đến lòng mình. Bản thân mình rất may mắn vì sống 19 năm trời (trộm vía) chưa phải chứng kiến một người thân nào rất gần mình mất, và mình thật sự mong không phải sớm chứng kiến điều đó. Nhưng như mình nói, cách miêu tả chân thật của Lee Kyung Hye làm mọi thứ trở nên hiện hữu, nó gần như có thể chạm vào, có thể thấy trước mắt vậy. Nói thế nào nhỉ, nếu giờ mình lật lại một vài trang nhật kí mình viết ngày xưa, có lẽ cách viết nó sẽ na ná thế. Không biết cố tình hay vô ý, nhưng bật ra từ cách viết của Lee Kyung Hye là sự bất lực, không phải bà bất lực, mà bà viết dưới góc nhìn của một đứa trẻ văn phong của một đứa lớp 9 nên cái bất lực này chắc là của Yoo Mi. Mình hiểu được rằng, cô bé đang trải qua một nỗi buồn không có lời nào miêu tả nổi. Bản thân mình đọc những dòng suy nghĩ của Yoo Mi "Mới hôm qua cậu còn đây mà giờ cậu đã đâu rồi?", bỗng dưng chỉ nghĩ đến thằng Đạt. Mình không muốn nghĩ đến viễn cảnh một ngày nào đó mình sẽ phải nghe một tin sét đánh, rồi không tin vào mắt mình, và chạy ra đường khóc dưới mưa hay đập đầu vào cái gốc cây nào đó. Nghĩ đến đã ứa nước mắt.

Xuyên suốt cuốn truyện đương nhiên là về tình bạn của Yoo Mi và Jae Joon. Mới thân được thời gian không quá lâu, nhưng vô cùng sâu đậm. Ở bên nhau mỗi khi khó khăn, mỗi lúc buồn chán. Tỏ tình với crush cùng vào Giáng Sinh, xong rồi cùng bị thất tình, để rồi đi chơi Noel với nhau. Học sàn sàn nhau. Nhà gần nhau. Ngoại trừ những cái giống nhau ra thì cũng có nhiều cái khác nhau nữa, kiểu như Yoo Mi thì cục cằn cá tính học sinh cá biệt chút còn Jae Joon thì ngoan ngoãn học sinh nghiêm túc hiếu thảo trong sáng. Nhưng hai đứa có nhiều cái chung. Điều này làm mình nghĩ, thế rốt cuộc bạn thân như thế nào mới đúng? Khác nhau hay giống nhau?

Câu trả lời thì chỉ có thể, như Yoo Mi viết, đúng thời điểm.

Jae Joon đến khi Yoo Mi cô đơn nhất. Jae Joon là người đề nghị làm bạn trước, và không hề từ bỏ khi bị Yoo Mi đẩy ra, thậm chí Yoo Mi còn xưng hô là "mày-tao" (trong truyện thế là có vẻ không ổn lắm, ngoài đời thì, mày tao là thân vc). Đoạn Yoo Mi đợi Jae Joon quay trở lại khiến mình rất tâm đắc - ngoài kia có không biết bao nhiêu đứa con gái ở cái tuổi 14 15 tỏ ra mạnh mẽ nhưng thật sự cần có người ở cạnh. Mình cũng từng thế, Yoo Mi cũng thế. Chỉ là không chấp nhận nói ra thôi. Và tác giả đã đưa vào truyện đầy đủ những gì chính xác nhất của một đứa con gái tuổi ẩm ương. Chính cái thời điểm đấy chắp cánh cho một tình bạn rất đẹp, một tình bạn cực kì trong sáng. (Đương nhiên về sau mình có nghĩ, liệu rằng Yoo Mi có tình cảm hơn bạn bè với Jae Joon không? Chắc phần nào có, và nếu Jae Joon còn sống chắc chắn là sẽ có khi hai đứa lớn lên. Nhưng có lẽ dừng ở tuổi 16, tình cảm đấy có nhiều hơn là tình cảm nam nữ, thì cũng vô cùng trong trẻo và tinh khôi)

Mình lại nghĩ, hay đứa con trai nào cũng thế, nó đến xong nó bỏ mình đi trước? Một chút ý nghĩ ngoài lề thôi, chắc không liên quan gì đến truyện.

Và rồi, có một câu trong nhật kí của Jae Joon, đại ý là cả hai đứa học cùng ngu thì mới chơi được với nhau, giờ có đứa giỏi hơn là xấu hổ chết mất. Và một câu khác nữa "người duy nhất trên thế gian này trêu mình là đầu bư đầu bẹt mà mình k khó chịu quả nhiên chỉ có thể là Yoo Mi". Hai câu này có vẻ ngược nhau: đã là bạn rồi thì điều gì cũng có thể biết, cái gì cũng có thể nói cho nhau nghe được, ngại gì nữa. Thế tại sao vẫn lại "xấu hổ"? Càng về cuối truyện, mọi thứ mới trở nên rõ ràng hơn: Jae Joon không chết vì tự tử. Những dòng đầu tiên của cuốn nhật kí không phải để nói về những suy nghĩ tiêu cực hay trầm cảm. Cái rõ nhất qua những dòng nhật kí vụng về của cậu bé lớp 9, ấy là chính bạn thân của cậu bé ấy cũng không thật sự hiểu thấu những gì cậu ấy nghĩ. Điều này khiến mình ngồi đần ra một lúc. Đúng là mấy đứa con gái rất dễ nói ra tâm tình của mình, nhưng con trai không phải vậy. Không phải mấy thằng muốn tỏ ra yếu đuối. Không phải đứa muốn nói rằng mình rất đau lòng. Mình hiểu điều này, bởi mình thân với Đạt, và nhiều đứa con trai nữa. Nhưng khi đọc "Tôi đã chết vào một ngày nào đó", mình lại nghĩ về mấy thằng mọi, và những điều chúng nó nghĩ, và những nỗi buồn chúng nó ôm, khi những làn khói bay lên và chúng nó sống thật. Có nhiều cách để tạm hiểu một đứa con trai, nhưng dù thế nào cũng phải nhớ rằng lòng tự trọng của chúng nó rất lớn. Và Jae Joon cũng thế, sẵn sàng đấm một đứa nhừ tử chỉ vì đứa đấy trêu cậu trước mặt người cậu thích. Dù bình thường cậu rất hiền. Con trai có thể không háo thắng như con gái, thích sự chú ý như con gái, nhưng thật sự cái lòng tự tôn rất cao.

Và rồi điều này lại dẫn đến tình yêu đầu đời của Jae Joon. Nói thật hồi mình yêu lần đầu mình cũng có một cuốn nhật kí. Màu hồng. Cũng đằm thắm mơ mộng. Y như Jae Joon vậy. Và ừ đấy, tình yêu đầu làm ta đau, cũng làm ta học được nhiều thứ. Khả năng của mình đến đâu, mình có thể làm những điều gì ngu xuẩn nhất mù quáng nhất được. Và cho dù Yoo Mi có rất ghét cô bé So Hee đấy, lúc đọc xong nhật kí của Jae Joon, Yoo Mi cũng hiểu rằng, cô nên cảm ơn So Hee, bởi nhờ So Hee mà Jae Joon mới được trải qua nhiều cảm xúc đẹp đẽ và đáng nhớ tới thế. Dù có đau đớn, nhưng tình yêu đấy với Jae Joon là rất đáng ; thế là đủ, dù tốn của Jae Joon cả cuộc đời, nhưng Jae Joon đã chết đi và đã biết yêu. Lại yêu là điều đẹp nhất, nhưng chấp nhận đi, không phải bỗng dưng mà ai cũng nói vậy. Những dòng chữ mùi mẫn của nhật kí Jae Joon lại làm mình nhớ đến mấy ước mơ bay bổng mà mình đã từng được nghe, của những người có vẻ mạnh mẽ nhất, nam tính nhất. Kiểu như là, khi yêu đương, mấy đứa con gái hay nghĩ đến xa vời, và rồi thậm chí sâu đậm hơn tí là cũng 1 2 lần nghĩ đến đám cưới, váy vóc rồi các kiểu trong mơ. Chắc con trai cũng thế thôi. Cũng dễ sống trong màu hồng của tưởng tượng, và cũng dễ tổn thương. Và nói chung thì, khi còn bé, chẳng ai cấm chúng ta mơ cả.

Điều quan trọng hơn tất thảy, là hai câu đầu của quyển nhật kí "Tôi đã chết vào một ngày nào đó/Liệu cái chết của tôi có ý nghĩa gì không?" Nếu mà chỉ đọc vậy, thì mọi người sẽ nghĩ "oh men lại tiêu cực trầm cảm gì đây". Nhưng thật ra không phải. Cho mình đánh giá, thì mình sẽ nói rằng Jae Joon là một đứa con trai sâu sắc, có phần già dặn hơn tuổi. Cách suy nghĩ về cuộc sống dưới lăng kính của một linh hồn, thật sự không hề tiêu cực nếu mọi người nghĩ theo cách của trẻ con. Nó thật sự rất ý nghĩa - giống như việc mọi người thức dậy mỗi ngày và sống như hôm nay ngày cuối cùng mình sống vây. Chỉ là Jae Joon nhìn mọi thứ như cậu đã chết, vậy thì những điều bình thường nhất cũng trở nên trân quý hơn, những giận dữ cũng hoàn toàn biến mất. Mọi người nói rất nhiều về việc muốn một cuộc sống bình thường, nhưng mọi người lại hầu như không biết trân trọng những thứ bình thường. Mơ quá rộng, ước quá xa, nhìn về phía chân trời, nhưng xung quanh còn rất nhiều điều nhỏ nhoi đẹp đẽ. Mọi người không biết những người xung quanh đang trải qua điều gì, dù những điều nhỏ nhất cũng có thể làm tổn thương họ ra sao, những mối tình mà họ cất giấu trong lòng, những vướng bận khiến họ đãng trí. Và đúng, cái chết có thể đến bất kì lúc nào, vậy tại sao không giữ gìn cuộc sống bình thường của chính mình và yêu thương cho đủ một đời sống?

Những điều Lee Kyung Hye viết, đều là những thứ mình đã rất tâm đắc từ rất lâu. Tuy nhiên có một điều duy nhất, mà cuốn sách đã làm mình nghĩ lại. Nghĩa là dưới những dòng nhật kí nhẹ tựa bông Jae Joon viết về sự đơn giản và nhất thiết của cái chết, là những cảm xúc của Yoo Mi khi đọc nó. Đại ý là Tại sao mới hôm trước mình còn ngồi nói về cái chết nhẹ bâng như thế mà giờ hôm nay đã như thế này rồi? Nghĩa là, mình luôn nghĩ, từ trước đến nay, như Jae Joon vậy, cái chết rất nhẹ nhàng, chẳng có gì phải sợ cả. Yeah nó có thể đau đớn, nhưng đấy là quy luật tất yếu. Nhưng có lẽ mình nên lùi lại một chút, và sợ cái chết hơn một chút. Rằng có lẽ khi mình nói về mọi thứ quá nhẹ nhàng, mình không thật sự tưởng tượng ra nó sẽ nhanh đến mức nào. Rằng có lẽ, mình nên để nhiều sự tôn trọng hơn cho sự sống, nhiều niềm tin hơn cho việc mình đang tồn tại, nhiều biết ơn hơn cho việc mình sống tốt đẹp trên cuộc đời này. "Jae Joon vẫn đang còn sống. Mãi mãi là một cậu con trai mười sáu tuổi cực kì bình thường" Không phải kiểu sống mãi trong tim mùi mẫn - Yoo Mi nói, mà là sống, bởi vì Jae Joon đã sống hết sức cuộc đời bình thường dài 16 năm của cậu.

Cuối cùng, chúc mọi người luôn sống hết sức cuộc đời bình thường của chính mình, cho dù điều gì đang chờ ở phía trước đi chăng nữa.


Comentarios


bottom of page